[Hán trang liễm diễm] [1] Dao Cơ


Hán trang liễm diễm

Họa sĩ: Đức Trân

Tác giả: Huyên Tuyết

Biên tập: Candy

*

[1] Dao Cơ

Thần nữ Vu sơn

Thần nữ Vu sơn trong thần thoại cổ của Trung Quốc còn được xưng là Vu sơn chi nữ. Tương truyền nàng là con gái của Thiên Đế, cũng có nơi truyền là con của Viêm Đế (Xích Đế), tên thường gọi là Dao Cơ (cũng có nơi gọi Diêu Cơ), chưa gả đã mất, chôn ở sườn Nam núi Vu (nay là ranh giới hai tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Bắc, hướng Đông Bắc – Tây Nam, cao hơn 1000m), người xưa xưng thành thần.

Thời Chiến Quốc khi Sở Hoài Vương đến Cao Đường, mơ gặp nữ thần, nữ thần đến dâng tặng chăn gối cho vương, hai người hoan ái. Sau đó khi Tống Ngọc theo hầu Tương Vương đến Vân Mộng, liền viết ‘Cao Đường phú’ và ‘Thần nữ phú’ để thuật lại chuyện này. Thần nữ được kể như một vị tiên nữ xinh đẹp ‘sáng làm mây, chiều làm mưa’. Từ đó về sau, ‘thần nữ Vu sơn’ thường dùng để so sánh mỹ nữ, còn ‘Vu sơn mây mưa’, ‘ mộng Dương Đài’ đã trở thành câu nói chỉ sự hoan ái của nam nữ, truyền lại đến nghìn đời sau.

Các truyền thuyết cùng thơ ca

Tương truyền Dao Cơ là con gái của Thiên Đế, tức thần nữ Vu sơn. Trong ‘Thủy kinh chú – Giang thủy nhị’ của Lệ Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy: “Quách Cảnh Thuần viết: Núi Đan ở Đan Dương, nước Ba. Phía Tây của núi Đan là núi Vu, nơi đế nữ cư ngụ. Tống Ngọc từng nói với Tương Vương: Con gái út của Thiên Đế, tên là Dao Cơ, chưa lấy chồng đã mất, được phong làm thần núi Vu, tinh hồn làm cỏ, thân làm linh chi. Chính là Vu sơn chi nữ, Cao Đường chi trở.” Người đời sau coi Dao Cơ là vị thần của hoa cỏ, cũng xuất hiện ví von bàn tay trắng như hoa ngọc. Bài thơ ‘Mộc Lan’ của Lý Thương Ẩn đời Đường: “Dao Cơ dữ thần nữ, trường đoản định hà như?” Bài thơ ‘Đại thạch lĩnh dịch mai hoa’ của Đường Vương Chu: “Dao Cơ rọi sáng chúng tiên cô, thoang thoảng hương thơm nối gót đường.”

Cũng có điển cố nói Dao Cơ là Vân Hoa phu nhân, con gái của Tây Vương Mẫu. Cuốn năm sáu của ‘Thái bình quảng ký’ có tên ‘Tập tiên lục’ đề cập: “Vân Hoa phu nhân, con gái thứ hai mươi ba của Vương Mẫu, rất thân thiết với nàng, được gọi là Dao Cơ.” Bài thơ ‘Vu sơn cao’ của Lý Hạ thời Đường: “Dao Cơ rời đi một ngàn năm, đinh hương cung trúc khóc không ngừng.” Về sau xuất hiện bài từ ‘Hoán Khê Sa’ của Thục Cố Hính: “Chim xanh không đến dâng cẩm tự, chốn ở Dao Cơ khóa lan phòng!”

Truyền thuyết thứ nhất

Thần nữ Dao Cơ là con gái thứ hai mươi ba của Vương Mẫu nương nương, tâm hồn trong sáng, tướng mạo xinh đẹp. Vương Mẫu nương nương rất yêu thương nàng, coi nàng như hòn ngọc quý trên tay. Dao Cơ còn nhỏ đã tự lập, rất hiếu động, tựa như chim nhạn trên mây, không thể giam giữ. Nàng không thích ngồi trong phòng buồn chán, thường lặng lẽ ra ngoài, đến Giao Trì nhìn ngắm hoa sen, trèo lên Bàn Đào bắt sao, có đôi khi còn lén xuống bơi ở Thiên Hà. Chuyện này truyền đến tai Vương Mẫu nương nương, Vương Mẫu nương nương liền khuyên can con gái, nhưng lại không có cách nào, nói nhẹ thì nàng cười, mà nói nặng thì nàng bĩu môi.

Một ngày, Vương Mẫu nương nương phiền muộn trong lòng, liền ra Nam Thiên môn để giải sầu, vừa lúc thấy Dao Cơ đẩy mây trắng ra để nhìn xuống dưới trần gian. Lửa giận bốc lên, Vương Mẫu nương nương nói: “Mặc cho con chơi trên Thiên giới còn chưa tính, sao còn nhìn xuống hạ giới, mắt của con sẽ bị vấy bẩn, đừng nhìn!”

Dao Cơ không tin, trừng mắt thật to, chỉ vào hạc trắng đang bay bên dưới nói: “Con hạc trắng noãn như ngọc, trên trời nào có? Con  muốn giống như nó, bay khắp nơi, đi khắp nơi, nhìn xem rốt cuộc hạ giới như thế nào?”

Vương Mẫu nương nương thấy nàng động tà niệm, càng giận dữ, quát lớn: “Không được suy nghĩ bậy bạ, mau về cấm cung đi!”

Dao Cơ chưa bao giờ thấy mẹ mình nổi giận đến thế, cảm thấy tủi thân, lại không phục, nàng quyết tâm nhảy xuống dưới mây trắng. Vương Mẫu nương nương vội vàng vươn người giữ chặt nàng, cố gắng kìm nén lửa giận trong lòng, mặt lạnh phải chuyển thành mặt nóng, mở miệng nói: “Hạ giới vô cùng khổ sở, con là cành vàng lá ngọc, tuyệt đối không được đi!”

Dao Cơ càng cảm thấy ngạc nhiên, liền ngồi ngay ngắn trên đụn mây, nhìn kỹ lần nữa, quả nhiên phần lớn mọi người đều ở nhà tranh, ăn cơm rau, mặc quần áo rách. Nàng thở dài nói: “Đúng là rất khổ!”

Vương Mẫu nương nương nghe vậy, âm thầm hài lòng, tiếp tục: “Thượng giới vẫn tốt nhất, có sơn hào hải vị ăn không hết, có lụa là quần áo mặc không xuể…”

Không ngờ Vương Mẫu nương nương càng nói, Dao Cơ lại càng thấy chói tai; Vương Mẫu nương nương càng so sánh, Dao Cơ càng khó chịu. Nàng kiên định, quyết chủ kiến: Đi xuống hạ giới thôi! Vương Mẫu nương nương không thuyết phục được nàng, nghĩ rằng: Nam lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, có lẽ nên đi tìm con rể, tương kế tựu kế. Vì thế, liền dặn con gái đến Đông Hải Long cung một chuyến.

Đông Hải Long Vương đã sớm để ý đến Dao Cơ, cũng từng hướng Vương Mẫu nương nương cầu hôn. Có điều khi ấy Dao Cơ còn nhỏ, chưa thể xác định. Trước mắt thấy nàng đến làm khách bèn cư xử hết sức ân cần.

Đông Hải Long Vương  cùng Dao Cơ đi vào Long cung, đi đến đâu, nước biển liền tách ra hai bên đến đó, tạo thành các lối đi nhỏ bằng thủy tinh, ánh sáng chiếu qua trong suốt, thấy tôm cá bơi qua bơi lại, rong tảo nhẹ nhàng lay động, còn cả các loại san hô, vỏ sò, thu hút ánh nhìn của Dao Cơ. Vào hậu cung, nàng cảm thấy sáng sủa khác thường, thì ra nơi này đặt đầy dạ minh châu, từng chuỗi từng chuỗi, từng viên từng viên, viên nhỏ thì sáng như sao, viên lớn chiếu rọi như ánh trăng. Đông Hải Long Vương mời Dao Cơ ngồi vào ghế dựa bằng vàng ngọc, gọi người đặt Quỳnh Tương Ngọc Dịch đặt lên bàn mã não. Hắn tự mình châm rượu, cung kính nói: “Vì tiên nữ từ xa đến đây, mời, mời!”

Dao Cơ thấy trong phòng không còn người khác, tim đập thình thịch. Đông Hải Long Vương âm thầm áp sát vào nàng, ân cần lên tiếng: “Môn đăng hộ đối, mỹ nữ thiếu niên quả là trời sinh một đôi. Vương Mẫu nương nương bảo nàng đến, chẳng phải là cố ý rõ ràng rồi sao?”

Dao Cơ nghe vậy, mặt đỏ bừng, hiểu ra mình đã trúng bẫy, bèn một mạch rời Long cung, mấy ngày sau cũng không quay về, đến thẳng nhân gian. Nàng đến dưới núi Vu, gặp rất nhiều người, có người chống gậy xin cơm, cầm theo cái giỏ rách, có người kéo theo cụ già, có người cõng đứa nhỏ, khóc sướt mướt chạy nạn. Nàng đang định tiến lên hỏi thăm, chợt thấy mây đen cuồn cuộn trên không, cuồng phong gào thét, có mười hai con nghiệt long đang làm mưa làm gió. Chúng trừng mắt, từng tia chớp bắn ra khiến con người lóa mắt, chân không thể đứng vững; chúng gầm lên một tiếng tạo thành sấm lớn, khiến phòng sụp nhà đổ, thôn trang trở thành phế tích; chúng quẫy người tạo thành mưa to, lũ lụt bất ngờ chảy xiết, bao phủ mặt đất, lật nghiêng thuyền chài. Dao Cơ nhìn, nghĩ rằng: Đây chẳng phải là thuộc hạ của Đông Hải Long Vương ư? Sao lại càn rỡ như vậy, tùy tiện hại người!

Dao Cơ vội vàng cưỡi mây bay, tới gần đám nghiệt long này, ăn nói nhỏ nhẹ, khuyên bảo chúng về Đông Hải.

Nghiệt long không nghe rõ tiếng nói trong không trung, ngẩng đầu thì chỉ thấy một cô nương mười bảy mười tám tuổi đang đạp trên một đụn mây trắng. Chúng nói: “Con nhóc kia, ngươi hiểu gì, đừng lắm miệng! Chúng ta thích chơi đùa thế nào là việc của chúng ta, liên quan gì đến ngươi?” Vừa nói vừa tiếp tục phá hoại.

Dao Cơ rốt cuộc không nhịn được, nhẹ nhàng rút xuống một cây trâm ngọc bích từ trên đầu xuống, vung về phía mười hai con nghiệt long, sau một luồng chớp, gió liền giừng rít gào, trời quang mây tạnh, mười hai con nghiệt long chết hết, rơi xuống.

Nhưng sau khi nghiệt long hại người, thi thể của chúng còn hóa thành mười hai tòa núi cao, chính là núi Vu, ngăn trở nước sông chảy về Đông, nơi này liền trở thành một biển lớn, dân chúng vẫn không thể an cư lạc nghiệp. Dao Cơ thấy dân chúng chịu khổ, không đành lòng rời bọn họ mà đi, liền ở lại.

Sau đó, Đại Vũ đến đây phá núi mở đường. Dao Cơ biết chuyện, giao cho hắn cuốn ‘Hoàng lăng bảo quyển’, dạy hắn dùng búa, đục đá, làm xe, làm thuyền chở đất. Dưới sự trợ giúp của nàng, Đại Vũ dẫn dắt mọi người đập đá chuyển đất, mệt mỏi khổ sở vài năm, rốt cuộc đã mở được đường, dẫn lối cho nước sông chảy ra biển lớn. Bây giờ ngoài núi Vu có Thụ Thư đài, chính là nơi năm đó Dao Cơ truyền dạy cho mọi người.

Lại nói, Vương Mẫu nương nương biết Dao Cơ hủy bỏ việc hôn nhân với Đông Hải Long Vương, còn giết chết mười hai con nghiệt long, vừa tức vừa oán. Nhưng nghe kể nàng ở lại núi hoang rừng sâu lại đau lòng. Vì thế, Vương Mẫu nương nương gọi hai mươi hai người con gái trên thượng giới đến trước mặt, nói với các nàng: “Ta nhớ con gái út, mấy con mau xuống nhân gian một phen, tìm nó về đây.”

Hai mươi hai cô gái liền cưỡi mây xuống núi Vu, tìm Dao Cơ. Tỷ muội lâu ngày gặp nhau, vừa vui vừa buồn, ai cũng khóc sướt mướt. Các tỷ tỷ nói với nàng: “Mẫu thân rất nhớ muội, mong đến đau lòng thắt tim, muội trở về với các tỷ đi.”

Dao Cơ nói: “Muội cũng nhớ mẹ, ánh mắt lúc nào cũng hướng về người. Nhưng muội không thể trở về, muội muốn giúp dân chúng bớt khổ sở.”

Các tỷ tỷ oán trách: “Người trèo chỗ cao, nước chảy chỗ thấp! Sao muội không thích Thiên cung, Long cung, lại muốn ở nơi núi hoang dã cốc này vậy?”

“Các tỷ xem, dân chúng chịu khổ, muội đâu thể nhẫn tâm mặc kệ chứ!” Dao Cơ vừa nói vừa chỉ ra xa xa. Bên kia sườn núi, có hổ báo đang đuổi người, càng đuổi càng gần, sắp bắt được. Dao Cơ vội vàng xoay thân lấy bùn nhão ném qua, bùn nhão biến thành mấy chục mũi tên bắn chết hổ báo. Có người đang leo lên từ chân núi, từng bước run rẩy, dường như bệnh sắp chết. Dao Cơ lập tức nhổ vài sợi tóc từ trên đầu xuống, thả rơi trước mặt hắn. Tóc lập tức biến thành cỏ linh chi cải tử hoàn sinh, cứu mạng người đó. Lát sau, một con thuyền từ từ trôi ra giữa sông, lưng của người chèo thuyền khom còng xuống dưới. Dao Cơ cuống quýt thổi thổi về phía Tây, lập tức một trận gió nhẹ đẩy cánh buồm, thuyền lướt như bay. Nhìn những cảnh này, các tỷ tỷ đều gật đầu, không khuyên Dao Cơ trở về nữa. Thấy tỷ tỷ đã thông cảm cho nàng, Dao Cơ rất vui vẻ, đang định bảo họ về Thiên giới, chợt thấy ruộng nương khô cằn vàng vọt, lông mày không khỏi cau lại, hạn hán nặng nề như vậy thì mọi người biết làm thế nào? Dao Cơ nghĩ một hồi rồi bật khóc. Nước mắt chảy xuống chợt hóa thành mưa, rào rào không ngừng, nhanh chóng lấp đầy ao hồ, san phẳng đập nước. Cây mạ gặp mưa, ruộng nương liền xanh mướt như trước.

Các chị gái xem đến rạng rỡ mặt mày, nhao nhao bàn luận, có người cho rằng nên giúp dân chúng, đồng ý ở lại cùng Dao Cơ, cũng có người không muốn rời xa mẫu thân, không đồng ý. Dao Cơ đếm, mỗi bên mười một người, vừa đủ một nửa. Nàng nói: “Mẫu thân đã lớn tuổi, cần người chăm sóc; dân chúng rất khổ, cần ban phúc. Các tỷ một nửa về trời, một nửa ở lại nhân gian đi.”

Vì thế, mọi người phấn khởi biệt ly. Những người ở lại là Dao Cơ, Thúy Bình, Triều Vân, Tùng Loan, Tập Tiên, Tụ Hạc, Tịnh Đàn, Thượng Thăng, Khởi Vân, Phi Phong, Thánh Tuyền, Đăng Long. Sau đó, các nàng liền biến thành mười hai đỉnh núi Vu.

Đến gần Trường Giang, đỉnh Vọng Hà vút thẳng trời xanh, còn gọi là đỉnh Thần Nữ. Xuyên qua mây khói lãng đãng, có thể nhìn thấy một bóng dáng xinh đẹp thanh tú trên đỉnh núi, như ẩn như hiện, vừa giống tảng đá vừa giống người, vừa ở trên trời vừa tại nhân gian, chính là thần nữ Dao Cơ.

Truyền thuyết thứ hai

Con gái thứ ba của Viêm Đế, tên gọi Dao Cơ, vừa đến tuổi cập kê, còn chưa xuất giá đã chết. Dao Cơ chết vì nàng không muốn lấy chồng, ưu sầu mà chết.

Núi Vu có mười hai đỉnh, san sát rất đẹp. Trong đó có một đỉnh núi duyên dáng yêu kiều nổi bật, gọi là đỉnh Thần Nữ. Nó như một giai nhân tuyệt thế từ xa xưa, đứng giữa sườn cao nhìn trăm thuyền vạn buồm qua lại dưới chân, say mê vô tận, mỹ lệ đa tư. Sáng sớm, nó thường hóa thành một đám mây sớm mờ mịt, nhàn nhã rong chơi giữa núi cao cốc sâu; đến hoàng hôn, nó biến từ mây mờ thành mưa chiều lất phất, hướng về sắc xanh trên núi biếc, phát ra tiếng nức nở ai oán lòng người; về đêm, thỉnh thoảng lại truyền đến tiếng gọi thâm tình: “Tỷ tỷ, tỷ tỷ! Tỷ ở đâu vậy… Tỷ tỷ…”

Đến ngày hôm sau, nó lại quay về làm mây sớm như ẩn như hiện.

Lúc này, mọi người lẳng lặng ngồi dưới đỉnh Thần Nữ, nghiêng tai lắng nghe, trúc xanh vờn múa lay động cùng gốc tùng nghiêm trang cổ kính sẽ rủ rỉ kể lại cho chúng ta nghe chuyện xưa động lòng người này.

Khi nữ thần Vô Danh còn ở trong cung điện Hoa quốc, vì nàng chung tình với Xích Tùng Tử, tam muội Dao Cơ của nàng sắc sảo nhanh miệng, trẻ người non dạ, nhiều lần hồ đồ nói xấu tỷ tỷ trước mặt cha mẹ. Nhưng từ sau khi nữ thần Vô Danh đi theo Xích Tùng Tử rồi, nhị tỷ lại lên Tiên giới, Dao Cơ cảm thấy vô cùng vắng vẻ, tịch mịch, thường xuyên nhớ nhung các chị. Nhưng nữ thần Vô Danh và Xích Đế Nữ vẫn một đi không trở lại, mà tứ muội lại cùng các nam nhân cưỡi ngựa chu du thiên hạ, chỉ còn một mình nàng, không có ai để nói chuyện, cũng không có ai cùng chơi đùa, nàng rất hối hận. Nay nàng trưởng thành rồi, cũng có lúc suy nghĩ vẩn vơ, bởi vậy, nàng không nhịn được phải thì thầm: “Ta thật đáng chết, hồi trước không hiểu các tỷ tỷ…” Nàng rơi nước mắt, mơ màng nhìn ánh mặt trời xa xa thấp thoáng non xanh mây trắng, “Tỷ tỷ! Tỷ tỷ, tỷ ở đâu rồi! … Tỷ tha thứ cho muội được không?” Trong đêm mộng, nàng thường thấy nữ thần Vô Danh ở cùng Xích Tùng Tử ở trong rừng sâu núi Côn Luân, vui vẻ bay nhảy, đùa giỡn giữa những khóm hoa, nghịch nước bên dòng suối nhỏ, bọn họ thật hạnh phúc!

Có một ngày, phụ thân Viêm Đế nói với nàng: “Dao Cơ, con nên lấy chồng đi.”

“Lấy chồng?” Cặp mắt thê lương phiền muộn của nàng trợn tròn, ngẩn người nhìn phụ thân Viêm Đế: “Phụ thân, vì sao con phải lấy chồng?”

“Con gái lớn, không lấy chồng sao được?” Viêm Đế thở dài một hơi.

Lúc này, mẫu thân cũng tới khuyên con vài câu.

Trước đây đối với Vô Danh, Viêm Đế thân làm phụ thân đã ngăn cản tình yêu từ đáy lòng của con gái, kết quả gặp phải họa lớn, rốt cuộc không thể gặp lại Vô Danh, khiến ông ôm hận cả đời. Mà nay, ông không muốn dẫm lên vết xe đổ với Dao Cơ.

Viêm Đế trầm ngâm chốc lát, nói tiếp: “Dao Cơ, phụ thân đã chọn cho con một lang quân mỹ mãn, đừng do dự nữa.”

Nàng âu sầu: Đại tỷ bỏ trốn rồi, nhị tỷ thành tiên, tiểu muội trở thành một đứa con ngang tàng, rất khó ở trong cung. Nếu ta lấy chồng, chỉ còn lại phụ thân và mẫu thân, cô độc một mình biết phải làm sao? Nàng liền hỏi: “Phụ thân, nếu con đi rồi thì trong cung điện Hoa quốc chỉ còn người và mẫu thân thôi, không chỗ dựa dẫm. Sao con có thể rời đi chứ?”

Sắc mặt Viêm Đế tiêu điều nói: “Con đừng lo cho chúng ta!”

Dao Cơ nhìn vẻ mặt bất lực của cha mẹ, nước mắt bỏng rát tràn xuống mi, tựa như đứa trẻ con nhảy bổ vào lòng Viêm Đế: “Phụ thân, con không lấy chồng! Có chết con cũng không lấy chồng…”

“Ôi, con gái sao có thể không lấy chồng?”

“Con không muốn lấy chồng mà!… Con sẽ không lấy chồng!… Cả đời cũng không!…” Dao Cơ cũng hy vọng tìm được tình yêu của mình, đương nhiên nàng biết ý trung nhân mà phụ thân chọn cho mình là ai – Thiếu Điển, cháu trai của pháp sư đời trước, hiện tại lại là pháp sư của phụ thân, là một tiểu tử ưa nhìn và đáng yêu. Tuy hắn mang trí tuệ của tổ phụ, nhưng không hề có sự “gian trá” như ông ta. Nhưng nàng vẫn không muốn rời khỏi phụ thân hiền từ, mẫu thân tóc bạc.

Không ngờ, vận mệnh của nàng quanh co khúc khuỷu, trong một năm liền đổ bệnh, chưa kịp lấy chồng đã mất. Viêm Đế khắc khoải thương nhớ con gái, ân hận không thôi. Vận mệnh của Dao Cơ quả thực còn bất hạnh hơn các chị của nàng! Nghĩ như vậy, Viêm Đế rơi giọt nước mắt đầu tiên trong đời vì con gái.

Ngọc Đế thương Dao Cơ chết sớm, sợ nàng lưu lạc tha hương, biến thành du hồn dã quỷ. Nhưng có cách nào nữa đâu? Dao Cơ đã chết… Không bao giờ sống lại được nữa…

Thật tình cờ, có một ngày, Ngọc Đế nằm mơ, thấy Dao Cơ mặt đầy nước mắt đến gặp ông, khóc nức nở cầu xin: “Ngọc Đế, ta muốn trở về với phụ thân, ta muốn đi tìm mẫu thân!”

“Dao Cơ, hãy nghe ta nói, người chết rồi không thể sống lại…” Ngọc Đế đau lòng đáp, ông suy nghĩ một hồi, chợt nảy ra ý tưởng, “Dao Cơ cô nương, hay là như vậy, ngươi đến núi Vu đi, ta phong ngươi thành thần mây mưa ở núi Vu được không?”

Dao Cơ lau nước mắt, gật đầu, ngồi lên mây ngũ sắc, bay về hướng núi Vu dưới nhân gian.

Nàng đứng ở sườn cao nhìn ra xa, thấy phụ thân lớn tuổi của mình, thấy mẫu thân từ ái, bất tri bất giác, dần dần hóa thành một đỉnh núi trong rất nhiều đỉnh xung quanh, chính là đỉnh Thần Nữ nổi danh. Những thị nữ bên cạnh nàng cũng hóa thành núi to núi nỏ, là mười hai ngọn núi Vu. Về sau, Đại Vũ trị thủy, Dao Cơ còn giúp hắn mở đường sông Trường Giang.

*

P/S: Chắc bạn nào đọc chương 1 của Chia rẽ uyên ương sẽ cảm thấy khó hiểu, vì sao chú thích mình viết ở phần đó nói thần nữ Vu Sơn có mây mưa với Sở Tương Vương, mà ở đây lại thành Sở Hoài Vương. Ừa thì chuyện chính là thế đó, nàng này ngủ với cả hai vị vua Sở đấy ạ. =))

16 thoughts on “[Hán trang liễm diễm] [1] Dao Cơ

      • Vì ta đọc Da Vinci Code thấy có vụ phồn thực nên ta tưởng của phương Tây. Rồi bỗng ta chợt nhớ ra rằng hình như các dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng có phong tục này nữa. Hí hí. Không biết là ai bắt chước ai nhỉ.

        • Nhớ không nhầm thì văn hóa phồn thực chính là văn hóa lúa nước, xuất hiện nhiều ở các nước lấy nông nghiệp làm chính…

          Chữ nghĩa bay theo gió hết rùi, gió ơi gió ơi T-T

          Stranger_16

      • Chắc chắn là từ phương Đông nàng ạ, hồi ta học Cơ sở văn hóa là thế ớ :D Mà ý nghĩa của nó cũng rất đặc trưng của phương Đông, nếu nàng thích thì cứ đi tìm hiểu, thực ra thì… ta chẳng nhớ chi tiết đâu, chữ thầy trả thầy rồi. TT^TT

  1. Dao Cơ… cái này mang đầy mùi mê tín…

    Trong mấy mỹ nhân của Trung Quốc ta nhớ có một nàng tên là Hạ Cơ, nổi tiếng dâm loạn…

    Chữ Cơ rõ ràng là thể hiện sự cao quý, thế mà…

    Chờ phần tiếp theo của nàng :”>

    • Ta không biết chữ ‘Cơ’ có thể hiện cao quý hay không, nhưng mà nghĩa đen của nó là chỉ phái nữ thôi.

      Hồi xưa xem tập tranh vẽ mỹ nữ Trung Quốc cũng thấy Hạ Cơ, nàng này nổi tiếng ghê ấy, mà đọc truyện thì thấy lạ nhỉ, hồi xưa coi trọng danh tiết thế mà dâm loạn như nàng ta không bị xử nhỉ, chắc phải đẹp lắm.

      • Ta nhớ chữ “Cơ” là thể hiện sự cao quý mà nàng… như từ “Đế Cơ” có nghĩa là công chúa ý…

        Khụ, Hạ Cơ mê hoặc được cả vua, ông ấy làm sao xử tử nàng ta được??? Mà công nhận, vua với hai đại thần chơi 3P với Hạ Cơ mà vẫn chịu mới ghê… Hậu cung phi tần không cần, lại đi chơi 3P với kỹ nữ nàng nhỉ (__ ___”)

      • Thế mới bảo chắc nàng ta phải đẹp lắm lắm, không thì cũng phải thủ đoạn lắm lắm. Không biết có ngôn tình nào viết về Hạ Cơ không, nếu viết thì cảnh 3P sẽ hot lắm đây. :))

Gửi phản hồi cho Nhược Linh Hủy trả lời